Ăn dặm – bữa ăn đầu đời của bé, chủ đề chẳng lạ gì với các mẹ nhưng làm sao để có một sự khởi đầu tốt đẹp cũng là vấn đề cần quan tâm. Có thể cho ăn dặm sớm khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi. Trước 4 tháng tuổi, cơ thể trẻ chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Ngược lại, nếu cho trẻ ăn dặm muộn, sau 6 tháng tuổi, có nhiều khả năng trẻ sẽ đứng cân và tăng trưởng chậm, bởi vì khi này sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Nguyên tắc khi cho ăn dặm
Ăn dặm – bữa ăn đầu đời của trẻ, quan trọng không phải chỉ vì cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ của trẻ mà còn vì chúng là “sứ giả” giới thiệu thế giới muôn ngàn mùi vị của thức ăn. Những bữa ăn đầu đời định hướng cảm nhận ẩm thực, thói quen ăn uống cho trẻ.
Tùy thể trạng từng bé, bạn có thể tập cho con nhỏ ăn đặc (ăn dặm) từ từ, bắt đầu từ 5-6 tháng tuổi trở đi. Gọi là ăn dặm vì đây là những bữa ăn tập dần cho trẻ làm quen với thức ăn đặc. Không thể thay thế được sữa mẹ hoặc sữa bột ngay tức thời mà phải xen kẽ. Thoạt đầu thì chỉ cần vài muỗng bột để làm quen. Nhưng khi bé đã khoái khẩu rồi và hệ tiêu hóa bé cũng đã làm quen với thức ăn thì bạn tăng dần thành bữa chính.
Cho ăn dặm những gì?
Trong mỗi chén phải có đủ 4 nhóm thức ăn:
- Bột đường (gạo, mì, bắp, khoai…) cung cấp phần lớn nhu cầu năng lượng, hơn phân nửa nhu cầu về đạm và vitamin.
- Đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu…): trong mỗi chén cháo, bột cần 1 muỗng canh thức ăn giàu đạm.
- Dầu mỡ: rất cần cho sự phát triển của não bộ, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo đồng thời làm cho chén bột mềm, dễ nuốt. Mỗi chén cho 1 muỗng canh dầu.
- Rau: cung cấp vitamin, sắt và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể, đồng thời cung cấp chất xơ giúp tránh táo bón. Mỗi chén cần 2 – 3 muỗng canh rau. Trong thời kỳ ăn dặm, tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
Thời kỳ ăn dặm của bé được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn ăn bột:
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi trở đi, mẹ đã có thể cho bé nhấm nháp một chút bột được rồi. Trong giai đoạn này, có thể mua bột dinh dưỡng đóng hộp của các hãng có uy tín, vì loại bột này có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nếu bạn tự chế biến cho trẻ ăn cần đảm bảo hợp vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng, tuy nhiên bạn nên lưu ý những thức ăn có thể làm cho trẻ bị dị ứng.
- Giai đoạn ăn cháo:
Khi bé được 9 – 10 tháng (có bé sớm hơn) và đã ăn được kha khá, bạn có thể nấu cháo cho bé ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà bé cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của bé, bạn múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho bé ăn. Khi nấu cho bé, bạn nên nêm thật nhạt. Nếu không có mắm muối mà bé vẫn ăn ngon thì càng tốt.
Lúc đầu dùng rây thưa tán cháo. Sau đó, chỉ cần băm nhuyễn thịt, cá và rau củ là được. Bạn nên tập dần cho bé quen từ thức ăn nhuyễn đến hạt lợn cợn và cuối cùng là cho ăn cơm.
- Giai đoạn ăn cơm:
Khi có đủ răng (20 cái), bé mới có thể nhai cơm thật kỹ. Bạn nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà-rốt, khoai tây, súp-lơ, su hào). Nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai để bé không bị hóc cọng rau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét